Tiếng Nhật có chữ cứng katakana, rất tiện lợi để thể hiện phiên âm tiếng nước ngoài. Ngoài tiếng Anh được phiên âm phổ biến, ví dụ オフィス=office, thì còn có tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Hà Lan do lịch sử giao lưu kinh tế văn hóa từ các thế kỷ trước.
Những từ ngoại lai có nguồn gốc ngoài tiếng Anh này có khoảng vài trăm từ, nhưng phổ biến trong cuộc sống chỉ khoảng vài chục từ thôi. Ví dụ:
アンケート=enquette (tiếng Pháp),
コーヒー=koffie (tiếng Hà Lan),
アルバイト=Arbeit (tiếng Đức).
Tiếng Anh thì tuy phổ biến, nhưng người Nhật tự chế ra nhiều hợp ngữ tiếng Anh, gọi là 和製英語. Những từ này tuy hiểu dễ dàng nhưng người Anh Mỹ bản xứ lại không nói vậy, khiến cho không chỉ người Nhật nhầm lẫn dùng khi nói tiếng Anh, mà còn làm cho những người học tiếng Nhật mà không phải người Anh Mỹ cũng nhầm. Ví dụ: サラリーマン=salary man (Mỹ: office worker), ノートパソコン=note PC (Mỹ: laptop/notebook computer). Đây là chủ đề thú vị nên nếu ai sưu tầm nhiều từ này mang ra bàn tán với người Nhật thì xôm trò ra phết đấy.
Vậy ngoài phiên âm tiếng nước ngoài ra thì katakana được dùng thế nào?
Thứ nhất, có nhiều từ có thể dùng tiếng Nhật thuần mà người Nhật vẫn dùng katakana vì lý do nghe hay hơn (^^), nghe sang trọng hơn, hợp ngữ cảnh ngoại quốc hơn, hoặc để nghe ý nhị hơn. Ví dụ:
ビューティサロン thay vì 美容室 (sang trọng hơn)
スタッフ thay vì 従業員 (bình đẳng quan hệ lao động hơn)
ローン thay vì 借金 (ý nhị hơn)
ザ・ワールド! thay vì 世界!(hay ho hơn)
スイーツ thay vì 菓子 (bánh ngọt kiểu Tây chứ không phải kiểu Nhật)
...
Thứ hai, đối với tiếng Nhật thuần mà cố tình viết bằng katakana thì sẽ có ý cường điệu, hoặc vui đùa. Ví dụ:
すごい <- スゴイ hoặc スッゴい!
ニッポン <- 日本
Thứ ba, khi viết email hoặc viết thư mà không rõ tên người nhận viết chữ Hán như thế nào, thì có thể viết chung chung bằng katakana. Ví dụ:
セキザワ様 (関澤・関沢)
Thứ tư, cái này thì ít gặp thôi, là những tên động thực vật có tên khoa học, dù là gốc từ Nhật thuần, cũng hay được viết bằng katakana. Ví dụ:
ニッポンザル (日本猿)
Chắc thế là đã đủ rồi đấy.