Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ, liên từ, thán từ, phó từ của tiếng Nga, tiếng Pháp, cũng không ngang hàng với các loại hư từ ngữ pháp, hư từ tình thái trong tiếng Việt, phạm vi "trợ từ tiếng Nhật" rộng hơn bất cứ quan niệm nào về các loại từ bổ trợ nói trên. Có thể nói, trợ từ tiếng Nhật bao gồm tất cả các loại này và được người Nhật gọi chung bằng cái tên "Joshi" (trợ từ).

Bao gồm nhiều tiểu loại với những chức năng riêng biệt, trợ từ được phân định thành các nhóm chức năng khác nhau như: nhóm Trợ từ cách (kaku joshi) chuyên biểu thị ý nghĩa ngữ pháp và các kiểu quan hệ ngữ pháp, nhóm Trợ từ quan hệ (kei joshi) biểu thị dụng ý của người nói muốn nhấn mạnh một thành phần nào đó trong câu nhằm mục đích so sánh, lựa chọn hoặc bác bỏ..., nhóm Trợ từ định danh (juntai joshi) dùng để danh hoá các động từ, tính từ hay ngữ đoạn động từ..., nhóm Trợ từ tiếp nối (setsuzoku   joshi) dùng để nối kết các mệnh đề trong câu phức...
Tuy nhiên, một hiện tượng phổ biến trong tiếng Nhật là các trợ từ thuộc các nhóm chức năng khác nhau có sự luân phiên hoạt động trên diện rộng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ khảo sát hoạt động của hai trợ từ có tần số xuất hiện cao trong câu tiếng Nhật, đó là trợ từ wa thuộc nhóm Trợ từ quan hệ và trợ từ ga thuộc nhóm Trợ từ cách.
Tuy nằm ở những nhóm chức năng khác nhau, mang những ý nghĩa cú pháp hoàn toàn khác nhau như: trợ từ wa có chức năng đánh dấu "chủ đề", trợ từ ga có chức năng đánh dấu "chủ ngữ ngữ pháp", song hai trợ từ này lại có sự luân phiên hoạt động rộng, đưa đến nhiều khó khăn cho những người học và sử dụng tiếng Nhật với tư cách là một ngoại ngữ. Vì vậy, bài viết của chúng tôi cũng hướng tới mục đích: thông qua việc trình bày một cách khái quát các trường hợp sử dụng tiêu biểu của hai trợ từ wa ga, giúp cho những người học tiếng Nhật phần nào hiểu được những ý nghĩa cơ bản của hai trợ từ này, tránh được sự nhầm lẫn trong khi sử dụng chúng.
I. Trợ từ 「は」(wa)
Nằm trong nhóm Trợ từ quan hệ, cùng loại với các trợ từ mo (cũng), koso (chính), dake (chỉ), bakari(toàn)...biểu thị ý nghĩa quan hệ như: so sánh, lựa chọn, nhấn mạnh... của yếu tố ngôn ngữ mà chúng đi kèm với các yếu tố hiển ngôn hoặc không hiển ngôn, trợ từ wa có một chức năng quan trọng là "dán nhãn chủ đề cho một thành phần câu".
Ví dụ:
私はビールは飲めますが、お酒は飲めません。
watashi-wa biiru-wa nomemasu ga, osake-wa nomemasen.
1             2                                        3
( Tôi thì bia thì uống được nhưng rượu thì không.)
 ローズベルトは米国の大統領だった。
Roosevelt-wa beikoku no daitooryoo datta.
( Ông Roosevelt đã từng là tổng thống nước Mỹ.)
Ž 秋の月はきれいだ。
aki no tsuki-wa kirei da.    ( Trăng mùa thu đẹp.)
Các trợ từ wa1 trong câu một và wa trong câu hai, ba đều lần lượt biểu thị chủ đề của mỗi câu trên. Tức là chúng chỉ ra rằng "tôi" trong câu một, "ông Roosevelt" trong câu hai, "trăng mùa thu" trong câu ba đang là đối tượng nhận định của tư duy, là cái chủ đề dẫn dắt người đối thoại đi vào mục đích chính của cuộc thoại. Người nói có thể chỉ mới nói "aki no tsuki-wa"   (trăng mùa thu) thì người nghe đã có thể hình dung ra một đêm trăng thu sáng vằng vặc, như vậy "aki no tsuki-wa" chính là chủ đề của phán đoán, là cái gợi mở cho nhận thức tiếp theo của người nghe.
Đối với các trợ từ  wa2 và wa3 trong câu một, có thể nhận thấy ý nghĩa so sánh được hiển thị trong câu văn: "Bia thì uống được nhưng rượu thì không uống được". Song, nếu như bỏ bớt động từ thứ hai ở cuối câu đi (như a) hoặc cả mệnh đề thứ hai trong câu đi (như b):
(a)私はビールは飲めますが、お酒は…
watashi-wa biiru-wa nomemasu ga, osake-wa...
(b) 私はビールは飲めますが、…
watashi-wa biiru-wa nomemasu ga...
thì người nghe vẫn có thể hiểu được ám chỉ "(rượu thì) không uống được" (a) hoặc "các đồ uống mạnh hơn như rượu thì không uống được"(b), mặc dù những ý này hoàn toàn không hiển ngôn.
Cùng với chức năng biểu thị chủ đề trong câu, trợ từ wa còn được dùng với rất nhiều ý nghĩa phái sinh khác mà chúng tôi sẽ trình bày dưới đây.
1. Trợ từ wa với chức năng đưa một thành phần lên làm chủ đề câu.
Ta hãy xem các ví dụ sau:
*山田さんは家族にこの手紙を書いた。
Yamada san-wa kazoku-ni kono tegami-wo kaita.
( Anh Yamada viết bức thư này cho gia đình.)
*家族には山田さんがこの手紙を書いた。
Kazoku-ni-wa yamada san-ga kono tegami-wo kaita.
( Để cho gia đình (mà) anh Yamada đã viết bức thư này.)
*この手紙は山田さんが家族に書いた。
Kono tegami-wa yamada san-ga kazoku-ni kaita.
( Bức thư này (là) anh Yamada viết cho gia đình.)
Trong các câu trên, nhờ có sự "dán nhãn" của trợ từ wa mà người ta có thể hiểu rằng người nói muốn đề cập đến chủ đề "anh Yamada", "gia đình" hay bức thư"...
2. Trợ từ wa với chức năng truyền đạt thông tin.
2.1. Phân đoạn "cái cũ", "cái mới" trong câu.
Bình thường, một câu nói là "cái biểu thị một nhận định trọn vẹn" nên bao giờ cũng chứa đựng một phần thông báo gì đó mới đối với người nghe (ít nhất là mới trong phạm vi tình huống lúc hội thoại). Như vậy, câu thường được phân đoạn thông tin ra thành "cái cũ" và "cái mới". "Cái cũ" là cái "đã biết", là cái mà người nói căn cứ vào tình huống của đối thoại mà ức đoán là đang có mặt trong ý thức của người nghe lúc mình sắp nói. Còn "cái mới", cái "chưa biết" là cái người nói cho là không có mặt trong ý thức của người nghe lúc bấy giờ. Thông thường, trong câu tiếng Việt, người nói có xu hướng chọn cái "cũ" làm xuất phát điểm cho sự nhận định và để phần có giá trị thông báo thực sự - cái "mới" ra sau.
Trong tiếng Nhật cũng có một cấu trúc câu tương tự như vậy: khi phần thông báo "mới" được đặt ở vị trí cuối câu, trợ từ wa sẽ được dùng làm trợ từ phân đoạn câu. Câu sẽ có mô hình như sau:
CÁI CŨ - wa // CÁI MỚI
うちのおじいちゃん釣りが大好きだ。
Uchi-no ojiichan-wa // tsuri-ga daisuki da.           (Ông tôi // thích câu cá lắm.)
東京人口が多い。
Tòkyò-wa // jinkoo-ga ooi.                                   (Tokyo // rất đông dân cư.)
2.2. Trợ từ wa trong câu có vị ngữ là từ nghi vấn.
Câu có vị ngữ là từ nghi vấn chính là câu hỏi mà thông tin cần biết ("cái mới") được đặt ở vị trí cuối câu, do đó trợ từ wa được sử dụng với chức năng phân đoạn câu. Ví dụ:
あなたの傘どれですか。
Anata-no kasa-wa // dore desu ka?             ( Ô của bạn // là cái nào? )
私の傘これです。
Watashi-no kasa-wa // kore desu.               ( Ô của tôi // là cái này.)
Song, trong trường hợp ngược lại, khi câu có chủ ngữ là từ nghi vấn, tức là cấu trúc mà thông tin "mới", cái "cần biết" nằm ở đầu câu và thông tin "cũ" ở cuối câu, có sự thay đổi trợ từ phân đoạn câu, lúc này trợ từ ga được sử dụng. Ví dụ:
どれあなたの傘ですか。
Dore-ga // anata-no kasa desu ka?             ( Cái nào // là ô của bạn?)
これ私の傘です。
Kore-ga // watashi-no kasa desu.                ( Cái này // là ô của tôi.)
3. Trợ từ wa được dùng trong câu nói về một sự việc đang diễn ra trước mắt người nói, hoặc một quy luật, tập quán, phép tắc hay một tính chất khó thay đổi nào đó. Ta hãy xem các ví dụ sau:
旧暦の十五日になると、丸くなる。
Tsuki-wa kyuureki-no juugo nichi-ni naru-to, maruku naru.
(Mặt trăng cứ đến ngày 15 âm lịch lại tròn.)               ( Quy luật )
日本人誰かに会うとお辞儀をする。
Nihonjin-wa dareka-ni au-to, ojigi-wo suru.
(Người Nhật cứ gặp ai đó là lại cúi chào.)                            ( Tập quán )
あつ、 スミスさん、それ私のテキストですけど…
Atsu, Sumisu san, sore-wa watashi-no tekisuto desu kedo...
(Ơ, anh Smith, đấy là sách của tôi chứ...  ( Nói về sự vật ở trước mắt )
あ、ごめんなさい。
A, gomenasai.  (À, xin lỗi nhé.)
Ở tình huống sử dụng này, ta thấy có sự khác biệt rất lớn giữa chức năng biểu thị "cái đã xác định" của trợ từ wa và chức năng biểu thị "cái chưa xác định" của trợ từ ga. Nếu như trợ từ wa được dùng trong câu nói về quy luật, tập quán đã xác định hoặc những sự vật, sự việc đang bày ra trước mắt người nói, thì trợ từ ga lại được sử dụng trong câu tường thuật lại một sự việc, vấn đề mới được phát hiện. Bởi vì, khi phát hiện được một điều gì đó, người ta có xu hướng chỉ miêu tả hiện tượng đó như nó vốn có, chứ không đưa thêm phán đoán của mình vào. Có thể lấy ví dụ như sau:
ああ、ここ出口だ。
A, koko-ga deguchi da.            ( A, lối ra đây rồi.)
あ、財布ない。
A,saifu-ga nai.                         ( Ơ, mất ví rồi.)
4. Trợ từ wa dùng trong câu biểu thị ý so sánh, phân biệt, lựa chọn. Các yếu tố nằm trong trục liên tưởng so sánh được "đánh dấu" bởi trợ từ wa. Vd:
歌手で、 妹女優だ。
Ane-wa kashù de, imooto-wa joyù da.
( Chị tôi là ca sĩ, còn em tôi là diễn viên.)   ( So sánh, đối chiếu )
あのレストランは料理いいけど、サービスよくない。
Ano resutoran-wa ryòri-wa ii kedo, saabisu-wa yokunai.
( Nhà hàng đó món ăn thì ngon đấy nhưng mà phục vụ lại kém.)      ( Phân biệt )
Bên cạnh trường hợp những yếu tố nằm trong trục liên tưởng so sánh được hiển ngôn như trên, cũng có những trường hợp các yếu tố này không được hiển ngôn, nhưng thông qua việc người nói sử dụng trợ từ wa, người nghe hiểu được dụng ý ngầm so sánh của người nói. Ví dụ:
彼女はどう?
Kanojo-wa dò?                        ( Cô ấy thế nào?
格好はいいけどね。
Kakkò-wa ii kedo ne.                Dáng thì đẹp đấy nhưng mà...)
Nếu thay trợ từ wa bằng trợ từ ga, câu sẽ không còn ý nghĩa so sánh ngầm ẩn như vậy nữa. Ví dụ:
彼女はどう?
Kanojo-wa dò?                        ( Cô ấy thế nào?
格好がいいね。
Kakkò-ga ii ne.                           Dáng đẹp đấy.)
5. Trợ từ wa trong câu vừa có chủ đề vừa có chủ ngữ.
Đây là một loại câu khá điển hình trong tiếng Nhật, gọi là "câu wa - ga",
câu vừa có chủ đề vừa có chủ ngữ. Trong đó, chủ đề được đánh dấu bằng trợ từ wa, sau chủ đề là phần thuyết với một kết cấu chủ vị mà chủ ngữ được đánh dấu bằng trợ từ ga. Chủ đề trong loại câu này có quan hệ ngữ nghĩa với bộ phận chủ ngữ của mệnh đề nòng cốt. Có thể tổng kết mối quan hệ ngữ nghĩa này ở các kiểu loại sau: "quan hệ toàn thể - bộ phận", "quan hệ thượng danh - hạ danh" (quan hệ giữa chủng loại và một tiểu loại trong đó), "quan hệ chỉ loại cho chủ ngữ" và "quan hệ giữa một sự vật với những thuộc tính đặc trưng điển hình của nó". Vd:
像は鼻が長い。
Zò-wa hana-ga nagai.             (Quan hệ toàn thể-bộ phận)
(Con voi thì vòi dài.)
魚は鯛がおいしい。
Sakana-wa tai-ga oishii.          (Quan hệ thượng danh-hạ danh.)
(Cá thì cá hồng ngon.)
このクラスはみんながよくがんばっている。
Kono kurasu-wa minna-ga yoku gambatteiru. (Quan hệ chỉ loại cho chủ ngữ)
(Lớp này mọi người đều cố gắng.)
東京は人口が多い。
Tookyoo-wa jinkoo-ga ooi.     (Quan hệ giữa một sự vật và một thuộc tính)
(Tokyo đông dân cư.)
6. Trợ từ wa trong câu biểu thị lý do, nguyên nhân.
Để biểu thị lý do, nguyên nhân, trong tiếng Nhật có mẫu câu được mô hình hoá như sau:
A no - wa // B kara desu                   ( Việc A // là do B )
Đứng trước trợ từ wa là trợ từ no hoạt động với chức năng danh từ hoá ngữ đoạn A đứng trước nó. Có nghĩa là trước wa là cụm từ chỉ kết quả của nguyên nhân, sau wa là ngữ đoạn B chỉ nguyên nhân. Ví dụ:
学校を休んだのは風邪を引いたからです。
Gakkò-wo yasunda no-wa // kaze-wo hiita kara desu.
(Nghỉ học // là do bị cảm.)
京都へ行きたいので古いお寺が多いからです。
Kyòto-e ikitai no-wa // furui otera-ga ooi kara desu.
(Muốn đi Kyoto // là vì có nhiều chùa cổ.)
7. Biểu thị sự nhấn mạnh về mức độ hoặc giới hạn nào đó. Ví dụ:
私は野球だけは苦手です。
Watashi-wa yakyù dake-wa nigate desu. (Tôi chỉ kém có mỗi môn bóng chày.)
日本ではこの作家が無名だ。
Nihon-de-wa kono sakka-wa mumei da.     (Ở Nhật thì nhà văn này vô danh.)
昨日まではこのテレビは壊れていなかった。
Kinò made-wa kono terebi-wa kowareteinakatta.
(Cho đến ngày hôm qua thì chiếc tivi này vẫn chưa bị hỏng.)
Trường hợp nêu ý nghĩa hạn định ở các câu trên, các từ mang ý nghĩa hạn định đều là các danh từ và được đánh dấu bởi trợ từ wa. Song, ý nghĩa hạn định cũng có thể nằm ở các từ loại khác như động từ, tính từ, số từ, phó từ... Đối với động từ, có thể đưa ra một số ví dụ sau:
*先生、息子は死んだんですか。
Sensei, musuko-wa shindan desu ka?
死んではいませんが、危険な状態です。
Shinde-wa-imasen ga, kiken na jòtai desu.
( - Thưa bác sĩ, con tôi chết rồi sao?
- Chết thì chưa, nhưng bệnh tình rất nguy kịch. )
Với số từ, trợ từ wa thường đi kèm để biểu thị mức độ "như vậy hoặc hơn thế nữa". Đặc biệt, trong cách nói về giá cả, trợ từ wa được sử dụng trong những câu kiểu như:
wダイアモンドは高価なものになると、千万円する。
Daiyamondo-wa kòka na mono-ni naru to, sen man en-wa suru.
(Kim cương thì, viên nào cao giá cũng phải đến mười triệu yên ấy chứ.)
新宿から渋谷までタクシーに乗ったら、千円は払わなければいけない。
Shinjuku-kara Shibuya-made takushii-ni nottara, sen en-wa
harawanakerebanaranai.
(Từ Shinjuku tới Shibuya, nếu đi bằng tắc xi cũng phải mất một nghìn yên.)
8. Trợ từ wa trong các câu ngạn ngữ (kotowaza).
Thông thường, trợ từ wa biểu thị chủ đề là các danh từ hoặc các ngữ đoạn đã được danh từ hoá, nhưng trong các câu ngạn ngữ, có một số trường hợp trợ từ wa đi cùng với động từ. Ví dụ:
会うは別れのはじめ。
Au-wa wakare no hajime.        (Gặp gỡ là bắt đầu của sự chia ly.)
菊は一時の恥。聞かぬは一生の恥。
Kiku-wa hito toki-no haji. Kikanu-wa isshoo-no haji.
(Nghe thì chỉ ngượng một lần. Không nghe sẽ là ngượng suốt đời.)
9. Trợ từ wa được dùng để nhấn mạnh một hành động lặp lại nhiều lần.
Khi biểu thị một hành vi hay một động tác được lặp lại nhiều lần như một
thói quen, bên cạnh những trạng ngữ chỉ quá trình thời gian trùng lặp, người ta còn sử dụng trợ từ wa đi kèm với động từ  để nhấn mạnh. Ví dụ:
小林さんは毎晩ディスコに行って、踊ったり飲んだりしている。
Kobayashi san-wa maiban disko ni itte-wa, odottari nondari shiteiru.
(Anh Kobayashi tối nào cũng tới sàn nhảy, nhảy nhót, ăn uống.)
毎年イギリスへ行っては、研究の資料を集めて帰ってくる。
Mainen Igirisu e itte-wa, kenkyuu no shiryoo wo atsumete kaette kuru.
(Năm nào tôi cũng đi sang Anh, thu thập tư liệu nghiên cứu rồi lại về nước.)

>>Xem tiếp phần 2

Ths. Ngô Hương Lan
Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản
Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á