Văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại Nhật Bản luôn mang trong mình một sức hấp dẫn hết sức đặc biệt. Song, trong quá trình tiếp xúc với người Nhật, không ít người nước ngoài đã hiểu lầm những giá trị rất riêng của nền văn hóa đảo quốc Nhật Bản, do không lý giải được những đặc thù ấy, ngay cả khi họ có cơ hội sinh sống trên đất nước mặt trời mọc. Trong số đó, Văn hóa xấu hổ không chỉ đáng lưu tâm trong khi nghiên cứu văn hóa Nhật Bản, mà còn có những ảnh hưởng khá tiêu cực tới quá trình lý giải lẫn nhau với các nền văn hóa khác của người Nhật.


Thế nào là xấu hổ?
Thuật ngữ "Văn hóa xấu hổ" bao gồm hai khái niệm "Xấu hổ" và "Văn hóa xấu hổ", để hiểu được Văn hóa xấu hổ trước hết cần làm rõ định nghĩa xấu hổ. Về mặt ngôn từ, từ xấu hổ (shame) là từ biểu thị tình cảm của con người. Trong nhiều văn hóa khác nhau không thiếu những từ thể hiện tâm lý muốn che dấu sự xấu hổ của con người như thành ngữ “Hito wa ichidai, na wa matsudai” (人は一代、名は末代. Tạm dịch: Sống chỉ một kiếp, tiếng để muôn đời) trong tiếng Nhật
Theo cuốn "Hoa cúc và thanh kiếm" của nhà nhân chúng học văn hóa người Mỹ Ruth Benedict, trong nền văn hóa mà xấu hổ trở thành một lực cưỡng chế quan trọng như văn hóa Nhật Bản thì xấu hổ là "phản ứng trước những đánh gíá của người khác về hành động của bản thân".
Darwin đã cho rằng khả năng cảm thấy xấu hổ chỉ có thể có ở con người, và bản thân việc xấu hổ cũng thể hiện ý nghĩa của tính người ở con người. Cảm giác xấu hổ hay tội lỗi được quy chế trong hành động của con người và nếu không biết tự xấu hổ hay tội lỗi thì không thể là con người.


Điều kiện hình thành sự xấu hổ
Trong phần Sáng thế kỷ của Kinh Thánh, sau khi Adam và Eva ăn trái cấm (trái trí tuệ) và nhận thấy mình trần truồng, họ đã giấu cơ thể mình không cho Chúa trời nhìn thấy. Điều cần lưu ý ở đây là việc tính hiếu kỳ và tri thức có quan hệ với nhau và tri thức là điều kiện phát sinh cảm giác xấu hổ hay khả năng tự ý thức của con người đã được bàn luận rất cụ thể trong chương kiến tạo thế giới của Kinh Thánh. Hơn thế nữa, xấu hổ không được hình thành ngay khi con người được sinh ra mà là thứ được phát sinh trong quá trình trưởng thành. Tóm lại, điều kiện để tâm lý xấu hổ hình thành chính là khả năng nhận thức hay sự tự tri giác khách quan của con người.
Trong rất nhiều trường hợp mà con người cảm thấy xấu hổ, ví dụ như khi mắc lỗi trước đám đông hay gây ra sai phạm nào đó và bị phát hiện. Nói cách khác, đó là tình trạng bất an, lo lắng một cách về việc hành động hay sự có mặt của mình có gây ảnh hưởng tới người khác hay không. Điểm chung của các ví dụ này là cảm giác xấu hổ thường phát sinh khi những việc không mong đợi xảy ra hoặc bị người khác nhìn ra điểm yếu, kém của bản thân. Do đó, khi không có sư có mặt của người ngoài thì không tồn tại điều kiện phát sinh sự xấu hổ. Tóm lại, xấu hổ chính là tâm lý e ngại sự đánh giá của người khác mà điều chỉnh hành động của bản thân.



Văn hóa xấu hổ là gì?
Tùy theo các nền văn hóa hóa và xã hội khác nhau mà tâm lý xấu hổ cũng có sự khác nhau rất lớn. Trong những tính cách và đặc trưng của người Nhật được bàn đến trong cuốn " Hoa cúc và Thanh kiếm", điểm thu hút được quan tâm đặc biệt là việc phân loại văn hóa thế giới thành "Văn hóa xấu hổ" và "Văn hóa tội lỗi". Benedict đã xếp văn hóa Nhật Bản vào Văn hóa xấu hổ.
Điểm quan trọng trong Văn hóa xấu hổ không phải là sự tự nhận thức hoặc tự kiểm điểm mang tính đạo đức đối với các hành vi của bản thân mà là việc quyết định hành vi của mình dựa trên những cân nhắc kỹ lưỡng sự đánh giá, phán xét của người khác. Điều đó có nghĩa là những nền văn hóa đặc biệt lo sợ bị xấu hổ trước thế gian (hay người ngoài) thì được gọi là Văn hóa xấu hổ.
Một mặt, trong một dân tộc đa thần giáo như Nhật Bản thì cái được ý thức mạnh mẽ đó là công luận và họ cũng lo ngại việc phải đối đầu với công chúng giống như nỗi kính sợ Chúa trời của đạo Thiên chúa của phương Tây. Có thể nói không có một dân tộc nào lại đặt nặng việc giữ thể diện trước mặt người khác như người Nhật. Tuy nhiên cũng không thể vội kết luận một cách đơn giản rằng người Nhật thì "có ý thức xấu hổ cao" còn các dân tộc Âu Mỹ thì "không có ý thức xấu hổ".


Nguồn gốc của Văn hóa xấu hổ của Nhật Bản
Khởi nguyên của tâm lý xấu hổ có thể tìm thấy trong nghĩa vụ bảo vệ danh dự của người Nhật. Nó từng đóng vai trò trung tâm trong quá trình hình thành bản sắc của Võ sỹ. Có thể tìm thấy nhiều ví dụ về khả năng tự kiềm chế của Võ sỹ trong các câu thành ngữ của Nhật Bản, ví dụ như câu "Bushi wa kuwanedo takayouji" (武士は喰わねど高楊枝- Tạm dịch: Võ sỹ khi đói thì ngậm tăm). Câu nói này có nghĩa rộng là: cho dù có nghèo túng tới mức không đủ ăn thì người Võ sỹ cũng không được để lộ sự túng thiếu của mình mà vấn phải giả vờ ngậm tăm như đã ăn no đê giữ thể diện.
Một ví dụ điển hình khác có thể dễ dàng thấy là Seppuku (切腹) - hình thức mổ bụng để bảo toàn danh dự của giới Võ sỹ Nhật Bản. Mặc dù có thể sẽ có người cho rằng đây là hình thức cực đoan để bảo vệ thanh danh khỏi bị ô uế nhưng đối với người Nhật Bản thì quan niệm về sinh tử này của Võ sỹ lại là một “mỹ đức”.
Những vấn đề của xã hội Nhật Bản
Tùy nền văn hóa khác nhau mà tính chất của việc bị xấu hổ khác nhau. Thêm vào đó, không có một nền văn hóa hay con người nào có thể tồn tại mà hoàn toàn không phải chịu sự xấu hổ. Gần đây, những vấn đề xã hội nghiêm trọng có liên quan tới văn hóa xấu hổ của Nhật Bản ngày một gia tăng.
Trước hết là sự gia tăng của những "cái chết cô độc" (kodoku shi - 孤独死). Ngày 20 tháng 3 năm 2012, xác chết của một cặp vợ chồng 60 tuổi và người con trai 30 tuổi tại tỉnh Saitama đã được phát hiện gần 2 tháng sau khi tử vong. Sau khi bị hàng xóm từ chối giúp đỡ về lương thực, họ đã không tìm đến các cơ sở cứu trợ của địa phương mà nhịn đói cho tới chết. Nguyên nhân sâu xa của hành động trên được cho là Văn hóa xấu hổ. Mặc dù rất nhiều người không cho rằng nhận trợ cấp nghèo đói là một việc đáng xấu hổ, hoặc không chỉ riêng người Nhật mới cảm thấy bản thân sự nghèo đói là một nỗi xấu hổ nhưng điều cần chú ý ở đây là những cái chết cô độc do nghèo đói không chỉ đơn thuần là một vấn đề kinh tế. Trong những nguyên nhân gây ra những cái chết cô độc ở trên có cả tâm lý xấu hổ, không muốn gây phiền phức cho người khác sau khi đã chết.
Vấn đề xã hội thứ hai là tính cách ngại giao tiếp trong lần đầu gặp mặt và không dám bày tỏ ý kiến hoặc quan điểm thực của bản thân của người Nhật. Nghiêm trọng hơn, tính cách dân tộc như vậy đã gây ra những vấn đề sâu sắc hơn như hội chứng né tránh giao tiếp, từ chối tham gia vào các hoạt động xã hội (như Hikokomori - 引きこもり) đang lan rộng ở một bộ phận giới trẻ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không muốn kết hôn của thanh niên mà ẩn sâu trong đó chính là tâm lý xấu hổ của người Nhật.

Kết luận
Văn hóa xấu hổ đã gây ra những ảnh hưởng sâu sắc tới xã hội Nhật Bản. Trên thực tế, Văn hóa xấu hổ không phải là một dạng văn hóa cố định mà biến đổi theo thời đại và các thay đổi của xã hội. Cho nên việc Văn hóa xấu hổ của Nhật Bản ngày nay có mang đầy đủ giá trị biểu hiện cho tính cách dân tộc và xã hội Nhật Bản nữa hay không sẽ trở thành đối tượng nghiên cứu của khoa học xã hội sau này. Quan trọng hơn, đó chính là yếu tố không thể thiếu của những nghiên cứu đối chiếu văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.
 
Vũ Thị Phương Liên