Về mặt lịch sử, sự khác biệt trong ngôn ngữ của nam giới và phụ nữ bắt đầu được nhận thấy vào khoảng thế kỷ 14 – 15. Những phụ nữ thuộc tầng lớp xã hội cao tự tạo cho mình một cách nói lịch sự, lễ phép với những đặc trưng ngôn ngữ riêng để phân biệt với ngôn ngữ của nam giới và những phụ nữ dân dã, thuộc tầng lớp xã hội thấp, qua đó để tự khẳng định địa vị xã hội của mình.
Sau đó dần dần thứ “biệt ngữ” vốn chỉ được sử dụng trong các gia đình quý tộc này được xã hội thừa nhận với tên gọi “nyoobo kotoba”, có nghĩa là ngôn ngữ của các bà vợ, rồi lan truyền rộng ra ngoài tới các tầng lớp dưới như gia đình các võ sĩ, thương nhân và tới cả các gia đình thường dân. Trải qua nhiều thế kỷ, cùng với những phát triển và biến động của ngôn ngữ nói chung, thứ “ngôn ngữ đặc trưng của phụ nữ” này vẫn được duy trì cho tới tận ngày nay, mặc dù có những thay đổi và biến động nhất định.


Theo các nhà nghiên cứu, trước thế kỷ 20, sự khác biệt giữa ngôn ngữ nam giới và phụ nữ khá lớn, đồng thời tồn tại những quy định nghiêm ngặt dành riêng cho ngôn ngữ của phụ nữ, không những trong ngôn ngữ nói mà cả trong ngôn ngữ viết. Tuy vậy, từ đầu thế kỷ 20 trở lại đây, “ngôn ngữ phụ nữ” đã thay đổi theo chiều hướng đơn giản hóa dần, tiến lại gần với ngôn ngữ chung hơn. Mặc dù vậy, hiện nay, hiện tượng giới tính của người sử dụng để lại dấu ấn trong cấu trúc ngôn ngữ này vẫn là một vấn đề được không ít nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Nhật Bản và nước ngoài để tâm đến như một trong những hiện tượng ngôn ngữ phản ánh đặc trưng xã hội điển hình. Dấu ấn này không chỉ được thể hiện trong cấp độ từ vựng mà cả ở các cấp độ khác như ngữ âm, ngữ pháp, hoạt động ngôn ngữ.

Người ta nói rằng ngôn ngữ của phụ nữ Nhật “mềm mại” hơn, “chuẩn” hơn ngôn ngữ của đàn ông. Tính mềm mại, tính chuẩn mực – cái đặc trưng cho giới tính của phụ nữ – là đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt ngôn ngữ của phụ nữ với ngôn ngữ của đàn ông. Các tính chất này có thể được miêu tả cụ thể qua những tiêu chí sau:
1. Các tiêu chí về từ vựng là các tiêu chí dễ nhận diện nhất. Khi nói đến sự khác biệt về cách sử dụng từ vựng giữa nam và nữ, trước tiên người ta thường nhắc đến các từ nhân xưng. Việc sử dụng từ nhân xưng của nam và nữ có những khác biệt đáng kể. Đối với ngôi thứ nhất, ngoài hai từ わたし [watashi] và わたくし [watakushi] (tôi – dùng khi nói lễ phép) mà cả nam giới và phụ nữ đều có thể sử dụng, còn có những từ chỉ phụ nữ dùng như あたし [atashi], hay chỉ nam giới dùng và hầu như không bao giờ xuất hiện trong lời nói của những phụ nữ có học như ぼく [boku] hay おれ [ore].
Đối với ngôi thứ hai cũng như vậy. Bên cạnh từ あなた [anata] là từ chung mà cả hai giới đều dùng được, phụ nữ có thể sử dụng một từ nữa là あんた [anta] như là một biến thể ngắn của từ chuẩn chung. Nhưng nam giới còn “đặc quyền” được phép dùng thêm một số từ nữa như おまえ [omae] (mày), きみ [kimi] (em)... Trong khi đó, nếu những từ này xuất hiện trong lời nói của phụ nữ thì sẽ bị coi là cách nói bất lịch sự. Có lẽ đó là vì theo quan điểm cũ của xã hội Nhật, những đối tượng thấp kém hơn cả phụ nữ để có thể bị gọi là おまえ [omae] hay きみ [kimi]... hầu như không có. Cách xưng hô này được trẻ em nghe người lớn dùng rồi bắt chước một cách rất tự nhiên ngay từ khi còn nhỏ.
Trong gia đình, người chồng có thể gọi trực tiếp tên vợ, ví dụ: 京子 [Kyooko], gọi thay vai con お母さん [okaasan] (mẹ), hoặc cũng có thể gọi vợ là おまえ (mình) một cách thân mật, suồng sã. Còn người vợ, ngoài cách gọi thay con お父さん [otoosan] (bố), chỉ có thể gọi chồng một cách lễ phép あなた [anata] mà thôi.
Ngoài xã hội, khi cần gọi tên đối tượng giao tiếp trực tiếp (ngôi thứ hai), hoặc người thuộc ngôi thứ ba, người Nhật thường thêm một số từ vào sau bộ phận tên để biểu thị các mức độ kính trọng. Thành phần thường được thêm, có tính trung hòa nhất là từ さん [san: 佐藤 [Satoo] → 佐藤さん [Satoo san], 山田 [Yamada] → 山田さん [Yamda san]... Từ さま [sama] thường được ghép sau tên những đối tượng thuộc bậc cao trong xã hội, rất đáng kính trọng, tương ứng với nghĩa “quý bà, quý ông” như 加藤 [Katoo] → 加藤さま [Katoo sama]...
Đối với những người vốn giữ một chức vụ xã hội nào đó thì các chức vụ đó thường được gọi cùng với tên, như: 田中先生 [Tanaka sensei] (thầy Tanaka), 鈴木課長 [Suzuki kachoo] (trưởng phòng Suzuki)... Những cách gọi này nói chung được duy trì, đảm bảo một cách nghiêm túc trong lời nói của phụ nữ ở cả phạm vi giao tiếp chính thức lẫn không chính thức. Trong khi đó, ở ngôn ngữ của nam giới, mức độ lễ phép thông qua cách xưng hô thường dễ bị thay đổi khi chuyển từ giao tiếp chính thức sang giao tiếp không chính thức với cách gọi さん [san] là chủ yếu, và cách gọi thêm từ くん [kun] đối với những người giao tiếp cũng là nam giới nhưng kém tuổi mình, như 前田くん [Maeda kun], 田中くん [Tanaka kun]...
2. Cảm giác về sự mềm mại trong ngôn ngữ của phụ nữ còn được thể hiện ở việc sử dụng vốn từ vựng. Lớp từ Hán Nhật thường được dùng trong những bối cảnh giao tiếp chính thức hay trang trọng. Còn các từ thuần Nhật thường xuất hiện trong các bối cảnh không chính thức, thân mật. Cùng để diễn đạt một nghĩa có thể dùng hoặc từ thuần Nhật, hoặc từ Hán Nhật. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ xã hội học Nhật Bản, tần số xuất hiện của các từ Hán Nhật trong ngôn ngữ của nam giới lớn hơn so với ngôn ngữ của phụ nữ. Ngược lại, thay vào đó, trong ngôn ngữ của phụ nữ có nhiều từ thuần Nhật dễ hiểu, thông dụng.
Ví dụ cùng để diễn đạt ý nghĩa “về lại đất nước”, nam giới thích dùng động từ 帰国する [kikoku suru], còn phụ nữ lại có xu hướng dùng cụm động ngữ 国へ帰る [kuni e kaeru]. Hay từ 売買する [baibai suru] (mua bán) xuất hiện trong lời nói của nam giới nhiều hơn, trong khi phụ nữ lại có vẻ ưa cách nói đồng nghĩa nhưng có tính diễn giải 売ったり買ったりする [uttari kattari suru].
Việc sử dụng từ Hán hay từ Nhật xưa kia chịu ảnh hưởng lớn của việc lựa chọn dạng thức văn tự. Hiện nay, người ta còn lưu giữ được những bức thư do nam giới viết hoàn toàn bằng chữ Hán, còn nữ giới viết bằng chữ Kana – loại chữ ghi âm thuần túy vốn có thời được coi là loại chữ dành riêng cho phụ nữ và tầng lớp dưới. Ngày nay, những phân biệt ngặt nghèo như vậy không còn nữa. Trong mỗi văn bản bất kỳ đều tồn tại đồng thời cả chữ Hán và chữ Kana. Tuy vậy, tỷ lệ xuất hiện chữ Hán trong những văn bản do nam giới viết, theo thống kê, vẫn lớn hơn ở những văn bản do phụ nữ viết.
3. Việc sử dụng hệ thống từ cảm thán ở cuối câu cũng được coi là một tiêu chí dễ nhận diện để khu biệt ngôn ngữ nam và nữ. Nam giới thường thêm vào cuối câu những từ cảm thán, từ tình thái tạo nên cảm giác mạnh mẽ, dứt khoát như: [na], かなあ [kanaa], [no], [ze], [zo], だろう [daroo]... Tương ứng với các từ trên, trong lời nói của phụ nữ lại sử dụng các từ như: [wa], わよ [wayo], のよ [noyo], [ne], かしら [kashira]... Cảm giác về sự mềm mại, nhẹ nhàng mà các từ tình thái trên đem lại luôn là dấu hiệu để tách một lời nói nào đó là của phụ nữ ra khỏi những lời nói của nam giới hay những lời nói không có biểu hiện giới tính.
からないわ [wakaranai wa] / わからない [wakaranai]
(không biết)
ないかしら [inai kashira] / いないだろう [inai daroo]
(hình như không có người)
Ngoài ra, chúng còn tạo nên ấn tượng về mong muốn thiết lập một mối quan hệ thân thiện giữa người nói và người nghe, hay về sự không dứt khoát, không tự tin khi phán đoán một điều gì đó và muốn phó mặc hay mong chờ sự giải đáp giúp từ phía đối tượng giao tiếp.
Ví dụ, cùng đặt một câu hỏi với nghĩa: “Ngày mai có đi làm không?”, nam giới sẽ hỏi:
日は会社へ行かないの。
[Ashita wa kaisha e ikanai no]
Ngày mai không đi làm phải không?
Nhưng người phụ nữ sẽ hỏi:
あしたは会社へ行かないのかしら。
[Ashita wa kaisha e ikanai no kashira]
Phải chăng là ngày mai không đi làm?
Một số từ cảm thán ở đầu câu như まあ [maa] (chà!) hay あら [ara] (ôi!) cũng được người Nhật coi là những cách nói đặc thù riêng của phụ nữ mà nam giới không được phép sử dụng. Những quy định về các từ tình thái đặc trưng riêng cho phụ nữ này được cả xã hội chấp nhận và tuân thủ. Nếu chẳng may một người nam giới nào đó “nhỡ” dùng nhầm thì ngay lập tức sẽ gây ra những phản ứng nào đó từ phía người nghe.
4. Kính ngữ là một phạm trù đặc biệt trong tiếng Nhật, được sử dụng như một phương tiện biểu thị sự kính trọng – với các mức độ khác nhau – đối với đối tượng giao tiếp, đồng thời qua đó biểu thị thái độ lịch sự, khiêm tốn của người nói. Ở các hoàn cảnh giao tiếp chính thức, hay khi nói chuyện với những người thuộc tầng lớp xã hội cao, những người không quen biết, những người được coi là “người ngoài” so với cộng đồng của người nói, việc sử dụng kính ngữ với các quy tắc riêng không những về từ vựng mà cả về ngữ pháp là có tính bắt buộc với tất cả mọi người. Tuy vậy, theo kết quả khảo sát của các nhà nghiên cứu, phụ nữ có hướng tuân thủ các quy định sử dụng kính ngữ chặt chẽ hơn nam giới. Thậm chí ngay cả ở những hoàn cảnh giao tiếp không chính thức, trong khi đàn ông rất dễ dàng chuyển lời nói sang các dạng thức thân mật, suồng sã, thì một số dạng thức của kính ngữ vẫn có xu hướng được lưu giữ trong lời nói của phụ nữ, đặc biệt là những biến thể từ vựng. Việc thêm các tiếp đầu ngữ [o] hay [go] vào các danh từ nhằm tăng thêm độ kính trọng đối với những sự vật thuộc về người giao tiếp, như おかばん [okaban] cặp (của ông), ご意見 [goiken] ý kiến (của ông), お子さん [okosan] con cái (của ông)... hay nhằm mỹ từ hóa những đồ vật vốn bị coi là rất bình thường, đặc biệt là những đồ vật, dụng cụ có liên quan trực tiếp đến đời sống của người phụ nữ như: お米 [okome] (gạo), おさら [osara] (đĩa), お台所 [odaidokoro] (bếp)... rất thường thấy trong ngôn ngữ của phụ nữ. Những dạng thức lễ phép hay lịch sự của động từ như ~です [~desu], ~ます [~masu] cũng được phụ nữ ưa dùng hơn các động từ dạng ngắn ~だ [~da] hay ~る [ru].
Ví dụ, cùng biểu thị một câu với nghĩa “hôm nay trời đẹp quá nhỉ”, phụ nữ thường nói:
今日はいい天気ですね。
[Kyoo wa ii tenki desu ne]
Trong khi đó nam giới thường nói:
今日はいい天気だね。
5. Cách phát âm của phụ nữ được người Nhật coi là chuẩn hơn đàn ông. Khái niệm “chuẩn” được thể hiện qua việc phát âm rõ ràng, không nuốt âm, biến âm. Trong ngôn ngữ của nam giới, đặc biệt là thanh niên, thường thấy hiện tượng biến âm một loạt từ theo những quy luật nào đó. Ví dụ các tính từ loại 1 (kết thúc bằng đuôi –i) được chuyển thành tính từ kết thúc bằng ~え [~ee]:
すごい [sugoi] giỏi    すげえ [sugee]
きたない [kitanai] bẩn    きたねえ [kitanee]
Hiện tượng biến âm này hầu như không thấy trong ngôn ngữ của phụ nữ. Ngoài ra, cách nói với ngữ điệu lên giọng ở cuối câu nghi vấn cũng được coi là cách nói chuẩn. Nhưng theo thống kê của các nhà nghiên cứu Nhật Bản, trong số những người được khảo sát, thì có khoảng 84% phụ nữ nói lên giọng ở cuối câu hỏi, trong khi đó chỉ có khoảng 56% số nam giới phát âm theo kiểu này.
Ngoài một số đặc trưng điển hình trên, còn có thể kể ra một số hiện tượng khác cho phép phân biệt ngôn ngữ của nam giới và ngôn ngữ của phụ nữ. Ví dụ như trong lời nói, phụ nữ tránh dùng các dạng thức động từ hay tính từ biểu thị sự kết thúc câu, mà thường dùng các dạng thức biểu thị câu chưa kết thúc, với hàm ý rằng còn muốn nói tiếp. Trong khi đó, nam giới lại có xu hướng dùng các dạng thức kết thúc câu, tạo cảm giác dứt khoát trong giao tiếp.
Ngoài các dấu hiệu ngữ pháp biểu thị sự chưa kết thúc câu, trong lời nói của phụ nữ, ở cuối câu còn thường thấy xuất hiện các từ như: [ga], けれど [keredo], けれども [keredomo]... (cũng có nghĩa tương ứng như từ “nhưng” hay “thế nhưng”).
Ví dụ:
しもし、山田でございますが……
[Moshi moshi, Yamada de gozaimasuga...]
Alô, tôi là Yamada, thế còn...
そのことちょっとわからないけれど……
[Sono koto chotto wakaranai keredo...]
Việc đó thì tôi không biết, nhưng...
Việc dùng các từ nối trên, trong nhiều trường hợp, không phải để biểu thị quan hệ logic ngữ nghĩa nào đó giữa vế hiển ngôn với các phần đứng sau mà thuần túy chỉ là dấu hiệu gợi mở, đón chờ sự hợp tác trong giao tiếp từ phía người đối thoại, qua đó biểu thị thành ý của người nói. Cách nói này ít thấy trong ngôn ngữ của nam giới.
Hay cùng để thể hiện một hành vi như đề nghị hoặc từ chối một điều gì đó, phụ nữ thường dùng những cách nói vòng, gián tiếp chứ không hay đưa ra những mục đích hay lý do thẳng, trực tiếp như nam giới. Các cách nói như: わたしは……したい [Watashi wa... shitai] (tôi muốn), hay いいえ、忙しいから…… [Iie, isogashii kara...] (Không được, vì tôi bận...), 用事があるので……できません [Yooji ga aru node... dekimasen] (Vì có việc nên tôi không thể...) hầu như hiếm thấy trong lời nói của phụ nữ.



Tính chuẩn xác, sự mềm mại, tế nhị trong cách sử dụng ngôn ngữ của phụ nữ khiến nhiều người nói rằng muốn học hay nghiên cứu tiếng Nhật thì hãy quan sát và học ngôn ngữ của phụ nữ, vì nó thể hiện chính xác tiếng Nhật cùng với những đặc trưng về tâm lý, dân tộc điển hình của người Nhật truyền thống. Thực ra, sự phân biệt giới tính trong sử dụng ngôn ngữ phần nào phản ánh đặc điểm của xã hội Nhật Bản kéo dài hàng nhiều thế kỷ, trong đó có vai trò của người phụ nữ Nhật Bản trong gia đình cũng như trong xã hội. Đó là vai trò thấp kém (nếu nhìn từ phía nam giới), là mặc cảm tự ti (nếu nhìn từ phía người phụ nữ).
Chế độ phong kiến càng hà khắc thì sự khu biệt giữa hai loại “ngôn ngữ” càng rạch ròi, các dấu hiệu để phân biệt chúng càng nhiều, càng rõ ràng. Bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, cùng với cuộc cải cách dân chủ hóa được thực hiện ở Nhật Bản, quan niệm về vai trò, vị trí của nam và nữ trong xã hội cũng có những thay đổi đáng kể. Những khác biệt về phong cách, trang phục, ứng xử... và cả ngôn ngữ giữa hai giới dần dần được thu hẹp lại. Các tiêu chí vốn được dùng để phân biệt ngôn ngữ của nam giới và ngôn ngữ của phụ nữ không còn được thấy rõ và được tuân thủ một cách chặt chẽ như trước nữa. Hiện nay, trong các tình huống giao tiếp chính thức và trong ngôn ngữ viết, hầu như nam giới và phụ nữ hoàn toàn sử dụng ngôn ngữ như nhau. Những đặc điểm về giới tính hầu như chỉ còn được thể hiện ở ngôn ngữ nói, ở các tình huống giao tiếp không chính thức mà thôi. Ngay cả trong ngôn ngữ nói, hiện cũng đang diễn ra hai xu hướng ngược nhau:
– Xu hướng “nữ hóa” ngôn ngữ của nam giới.
– Xu hướng “nam hóa” ngôn ngữ của nữ giới.
Cả hai xu hướng này đều là kết quả của sự phát triển của xã hội Nhật bản hiện đại. Xu hướng nữ hóa ngôn ngữ nam giới được giải thích là do kết quả của chế độ giáo dục con cái hoàn toàn do người mẹ đảm nhận (tiếng Nhật gọi là “hahaoya kyooiku”). Người cha do bận rộn công việc của công ty, của xã hội nên hoàn toàn giao phó cho người vợ công việc gia đình, trong đó chủ yếu là công việc chăm sóc con cái. Do vậy, ở giai đoạn chưa đến trường, đứa trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn của người mẹ về mọi thứ, trong đó có cả ngôn ngữ. Chúng bắt chước một cách vô ý thức cách nói của người mẹ, từ cách sử dụng từ ngữ đến những cách nói hoàn toàn đặc trưng của phụ nữ. Chỉ đến khi được đi học, đặc biệt từ trung học trở lên, ý thức về những khác biệt trong sử dụng ngôn ngữ do xã hội quy định mới được bọn trẻ nhận thức và dần dần tuân thủ.
Một nguyên nhân nữa cũng có thể được dùng để giải thích cho xu hướng này là do chế độ kinh tế thị trường, các nam thanh niên, đặc biệt là những người làm trong các ngành dịch vụ, buộc phải luyện ngôn ngữ của mình thật chuẩn xác, lịch sự, nhã nhặn, mềm mại... nhằm thu hút khách hàng. Trong lời nói của họ thấy xuất hiện nhiều kính ngữ, từ không bị biến âm, động từ thường được sử dụng ở dạng dài, đầy đủ (~desu, ~masu) và những cách nói gián tiếp cũng thường thấy hơn... Tất nhiên những khoảng cách về ngôn ngữ của họ đối với phụ nữ không thể vượt qua hoàn toàn nhưng một cách vô ý thức, ngôn ngữ của họ tiến dần đến những tiêu chí vốn được coi là đặc trưng của ngôn ngữ phụ nữ.



Xu hướng nam hóa ngôn ngữ phụ nữ lại là xu hướng ngược lại. Xu hướng này có thể thấy đặc biệt rõ ở các nữ sinh turng học và những năm đầu đại học. Do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, các em nữ sinh ở lứa tuổi này bắt đầu ý thức được về giới tính của mình, do đó không hài lòng với cái trật tự, vị trí mà xã hội Nhật Bản truyền thống vốn dành cho phụ nữ, mà muốn vươn lên, bình đẳng với nam giới. Phong cách, sinh hoạt, quần áo... và ngôn ngữ, đó là những lĩnh vực mà có thể thay đổi được cho giống với nam giới. Hiện tượng nói lóng, nói biến âm, hiện tượng sử dụng các động từ ở dạng ngắn, cách nói suồng sã, không dùng dạng thức lịch sự, thậm chí sử dụng cả các từ tình thái vốn được coi là đặc trưng của ngôn ngữ nam giới như: [zo], だろう [daroo]... không còn là những hiện tượng hiếm thấy trong lời nói của nữ sinh.
Tình trạng này khiến cho các bậc phụ huynh, đặc biệt là những người già hết sức lo lắng, phàn nàn. Tuy vậy, khi các nữ sinh này được nhận vào làm việc tại các cơ quan, công ty thì ngay lập tức, ý thức về những thước đo truyền thống lại được khôi phục lại. Đặc biệt khi họ kết hôn rồi trở thành những người vợ, người mẹ mẫu mực thì việc tuân thủ theo những tiêu chí đặc trưng của “ngôn ngữ phụ nữ” lại được đảm bảo trở lại một cách chặt chẽ.
Mặc dù hiện nay sự khác biệt giữa ngôn ngữ đàn ông và phụ nữ ở Nhật không còn nặng nề như xưa nữa, nhưng những khác biệt giữa chúng vẫn là một thực tế không thể phủ nhận. Đó chính là lý do mà khi dạy tiếng Nhật cho học sinh nước ngoài, các giáo viên thường phải nhắc nhở “Cách nói này chỉ dành cho phụ nữ thôi nhé!”.

Nguồn: Sưu tầm